– Kéo co từ trò chơi dân gian thông dụng dần trở thành môn thể thao truyền thống rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần đoàn kết, mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người.
Dễ tổ chức, dễ thi đấu
Kéo co thường được tổ chức trong dịp trại hè, các hoạt động tập thể của thiếu niên, học sinh hoặc các cuộc sinh hoạt cộng đồng của thanh niên, công nhân viên chức trong các cơ quan, công ty, doanh nghiệp… Chơi kéo co ngoài rèn luyện cho người chơi sức mạnh, sức bền bỉ, dẻo dai còn giúp phát triển sự phối hợp giữa các cá nhân trong đội để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Tổ chức trò chơi kéo co không đòi hỏi tốn kém về sân bãi, dụng cụ; luật chơi đơn giản, ai cũng có thể tham gia. Kéo co nhanh chóng trở thành môn thể thao phổ biến, thường được các địa phương đưa vào thi đấu hàng năm. Anh Nguyễn Văn Hải (huyện Châu Phú) cho biết: “Dịp lễ, Tết, địa phương thường tổ chức kéo co, tôi đều tham gia, tuy mệt nhưng vui. Năm nào không thi đấu thì tôi đến cổ vũ cho mọi người. So với các môn khác, kéo co hấp dẫn, sôi nổi, nhất là khi các đội giằng co, nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật nhiều”.
Thi đấu môn kéo co tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần thứ X/2024. Ảnh: TRUNG HIẾU
Khi các trận kéo co diễn ra, không khí trở nên náo nhiệt, tạo thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của nhiều người. Tiếng còi bắt đầu trận đấu của trọng tài vang lên, giây phút nặng nề, căng thẳng bị phá tan bởi tiếng hò reo từ cổ động viên. Đó là lúc vận động viên (VĐV) thể hiện sự dẻo dai, sức chịu đựng, yếu tố bền, sức mạnh của tập thể được thực hiện một cách đồng đều, dứt khoát. Tùy vào lực lượng, các đội tham gia kéo co là nam hoặc nữ, hay cả nam và nữ phối hợp. Các cuộc thi đấu thường quy định tổng trọng lượng của các VĐV của 1 đội khi tham gia, hình thức thi đấu 3 hiệp, đội nào thắng trước 2 hiệp sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Kéo co cần sức mạnh, nhưng không phải mạnh là thắng mà dựa vào nhiều yếu tố khác, như: Đôi tay khéo léo, đôi chân rắn chắc…
Đề cao tinh thần tập thể
Tư thế đứng, cách cầm dây, lên dây, chính là yếu tố quan trọng khi thi đấu kéo co. Người chơi phải đứng vững, bảo đảm chân di chuyển linh hoạt khi tiến, lùi, không được nhấc cao để tránh mất đà, xác định đúng lúc nào cầm cự, giữ dây, lúc cần kéo, thời điểm kéo dứt điểm. Nếu sức mạnh ngang nhau, đội nào có kỹ thuật tốt và huấn luyện viên kinh nghiệm hơn sẽ có khả năng chiến thắng. Theo những người từng có kinh nghiệm thi đấu môn kéo co thì đây là môn thể thao tập thể, nên khi thi đấu, các thành viên phải quyết tâm làm tốt nhiệm vụ của mình, chỉ cần sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng đến thành tích chung. Cả đội phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong từng nhịp di chuyển, đảm bảo sự gắn kết, có điểm mấu chốt để phát huy tối đa tổng lực.
Đội hình thi đấu kéo co thường được lựa chọn đồng đều về chiều cao, các vị trí sắp xếp phù hợp để tạo thành lực kéo mạnh, giữ thế cân bằng khi đối thủ vào trận với miếng tấn công chớp nhoáng. Các VĐV giữ khoảng cách nhất định để tránh giẫm, va chạm lẫn nhau. Tất cả thành viên buộc phải tập trung cao độ, tuân thủ tính chiến thuật… Trong đó, vị trí người đứng đầu cần khỏe mạnh, trụ vững nhất, để khi gặp các đối thủ mạnh sẽ phản xạ nhanh, giật dây đầu tiên.
Vị trí đứng cuối cùng được ví như người lái chiếc thuyền tránh đi chệch hướng, đòi hỏi sức ghì tốt, đôi tay chắc khỏe, tạo sự cân bằng để đội có sức kéo. Lòng bàn tay đỏ ửng, vết hằn do dây thừng để lại là minh chứng cho sự khắc nghiệt của môn thể thao tưởng như đơn giản này. Khi thi đấu, mỗi VĐV luôn thể hiện tinh thần tập thể, kỷ luật, đoàn kết của toàn đội để hợp lực cao nhất. Em Nguyễn Thanh Sang (huyện An Phú) chia sẻ: “Cố kéo hết sức, ngã người ra phía sau, nhích lùi từng bước một theo nhịp đếm cả đội, tuy có mệt nhưng rất vui. Kéo co còn giúp em và các bạn trong lớp đoàn kết, gắn bó nhiều hơn”.
Hiện nay, ngành thể dục – thể thao tỉnh đã đưa các môn thể thao truyền thống, trong đó có môn kéo co vào Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số, Hội khỏe Phù Đổng, các ngày lễ, Tết, sự kiện văn hóa – thể thao… thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của các môn thể thao truyền thống.
Bảng xếp hạng được giới thiệu vào tháng 12 năm 1992 và 8 đội tuyển (Argentina, Bỉ, Brasil, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha) đã giữ vị trí dẫn đầu, trong đó …